"Ông làm tổn hại cả thế giới."
Không biết Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nghĩ gì khi bị đập vào mắt dòng chữ chỉ trích thẳng thừng của Tổng biên tập báo Bild (Đức) - Julian Reichelt hôm 16/04/2020?
Khi gửi thư "mắng mỏ, trách móc" Tổng biên tập báo Bild "tội nói xấu lãnh đạo Trung Quốc qua vụ Covid-19" trước đó, Đại sứ quán, cơ quan ngoại giao của Trung Quốc ở Berlin (thay mặt cho lãnh đạo Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình), dường như vẫn giữ thói quen như ở các quốc gia theo thể chế cộng sản bao đời, đó là mắng mỏ báo chí truyền thông như "mắng dạy con cháu trong nhà".
Phải thôi, ở các quốc gia có chế độ chuyên chế thì thường các nhà nước đó chi tiền, trích ngân sách hàng năm ra nuôi nấng, quản lý và dạy dỗ hệ thống truyền thông, giao nhiệm vụ cho báo chí là phải tuyên truyền ca ngợi, che chắn bảo vệ chế độ, thì việc mắng mỏ, đuổi việc, cách chức, giải tán một tòa soạn báo "hỗn láo" nào đó là đương nhiên có thể.
Nhưng rất tiếc, trường hợp này lại là Bild - một tờ báo tư nhân nổi tiếng của Đức.
Chắc hẳn lãnh đạo Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình đã rất bất ngờ khi bị 'bật' lại.
Còn đối với người đọc báo Bild thì câu hỏi được đặt ra trên tờ báo này trước đó vài ngày với cái tít "Liệu Trung Quốc có phải chịu trách nhiệm về thiệt hại kinh tế khổng lồ do virus corona gây ra trên toàn thế giới hay không?" là điều hoàn toàn bình thường.
Chả là trong khi thế giới đang quay cuồng lo chống dịch Covid-19 thì Trung Quốc hối hả tranh thủ "thu vén" uy tín, tiếng tăm cho riêng mình với mong muốn phù phép, biến mình từ "nguồn bệnh" trở thành "nạn nhân bị lây từ Mỹ và các nước châu Âu", nay đã thành "người anh hùng chống dịch", "chuyên gia giúp đỡ các nước khác"...
Nhiều việc xưa nay cho thấy Trung Quốc quả là rất lão luyện về sử dụng vũ khí tuyên truyền, chiến tranh tâm lý phục vụ ý đồ riêng cho mình.
Cuộc chiến 'non tay'
Nhưng việc "chọc giận" trực tiếp các tờ báo tên tuổi của phương Tây như Daily Telegraph của Úc và Bild của Đức như mấy ngày qua thì các quan chức của Trung Quốc lại tỏ ra còn non tay và ấu trĩ.
Tổng biên tập báo Bild Julian Reichelt có lẽ đã bật cười khi nhận được bức thư "mắng mỏ" được gửi tới từ Đại sứ quán Trung Quốc ở Berlin và ông hẳn chẳng hề phải băn khoăn khi lập tức viết trả lời thẳng cho Chủ tịch Tập Cận Bình, đập thẳng cánh rằng: "Ông làm tổn hại cả thế giới."
Tự do báo chí
Tôi bảo đảm chắc chắn là trước khi cho đăng bức thư gửi Chủ tịch Tập Cận Bình, vị Tổng biên tập báo Bild đã không hề tham khảo, xin phép một "cơ quan ban ngành trung ương" hoặc một quan chức nào của chính phủ Đức cả.
Bild là tờ nhật báo lá cải "khét tiếng" thuộc tập đoàn truyền thông Axel Springer lớn hàng đầu của Đức với số lượng độc giả khoảng hơn 8,6 triệu và số lượng phát hành mạnh nhất Đức, đạt tới con số gần 1.400.000 ấn bản (4/2019).
Bild có tầm ảnh hưởng rất lớn vượt ra ngoài biên giới Đức, không chỉ là tờ báo lớn thuộc nhóm dẫn đầu châu Âu mà còn có thứ hạng cao của thế giới.
Đường lối tuyên truyền của Bild từng gây nhiều tranh cãi, phản ánh đúng thực trạng xã hội Đức, vốn luôn coi trọng sự tranh luận sôi nổi giữa các ý kiến trái chiều trước nhiều vấn đề. Và chính vì thế mà Bild có nhiều người đọc?
Đừng ngạc nhiên khi Bild lên án Chủ tịch Trung Quốc rằng "đã trị vì bằng cách giám sát tất cả", "đóng cửa mọi tờ báo, trang mạng mang tính chất phê phán", dẫn tới bịt miệng cả cảnh báo của một vị bác sĩ Trung Quốc trước nguy cơ dịch bệnh... bởi mới tháng 9/2019, chính báo Bild đã mời nhà hoạt động dân chủ nổi tiếng của Hong Kong Joshua Wong sang tham dự sự kiện "BILD100 - Fest" của Bild được tổ chức trên nóc tòa nhà quốc hội Đức, mặc cho Trung Quốc giận dữ.
Đức là quốc gia từng nhiều năm đứng đầu thế giới về xuất khẩu, đặc biệt về máy móc và công nghệ.
Hàng hóa mang nhãn hiệu "Made in Germany" rất được ưa chuộng trên khắp thế giới, vậy nên khi viết cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rằng, "Những người không có tự do thì không thể sáng tạo được. Ông đã biến nước ông thành nhà vô địch thế giới về ăn cắp tài sản trí tuệ", Tổng biên tập Bild Julian Reichelt đã viết ra chính suy nghĩ của nhiều người Đức.
Ông Julian Reichelt như đã hắt thẳng một chậu nước lạnh vào người nhận thư là Chủ tịch Tập Cận Bình.
Vốn nổi tiếng ngay thẳng và kỷ luật trong làm ăn, người Đức rõ ràng cảm thấy họ bị xúc phạm hơn ai hết bởi hàng nhái, hàng kém chất lượng của Trung Quốc.
Nói ra hay chưa thì chả cứ phần lớn dân Đức mà hàng tỷ cặp mắt hoài nghi, bực bội trên khắp thế giới đang hướng về Trung Quốc, dồn vào ban lãnh đạo Trung Quốc để cố tìm ra lời giải đáp về nguồn gốc gây ra thảm họa đại dịch cho cả thế giới hiện nay.
Bild là một tờ báo tư nhân, sống bằng tiền của độc giả, đâu có để chính phủ nào nuôi để mà vuốt ve, né tránh hay ngợi ca các chính phủ đó?
Bild nói tiếng nói của người đọc, phản ánh cái nhìn của bạn đọc Đức thì đương nhiên lá thư của Đại sứ quán Trung Quốc khác gì đã chọc đúng vào nỗi bực bội đang bị dồn nén của bạn đọc báo Bild.
Bức thư do Đại sứ quán Trung Quốc gửi tới báo Bild như một đường bóng được kiến thiết sẵn rất đẹp, Tổng biên tập Bild Julian Reichelt chỉ còn có mỗi một việc là co chân phải, nhắm thẳng vào Chủ tịch Tập Cận Bình để mà sút: "Món hàng xuất khẩu đắt đỏ và lớn nhất của Trung Quốc mà không nước nào muốn có, nhưng nó vẫn đi khắp thế giới, đó chính là virus corona".
Cách doanh nghiệp Đức đang làm ăn với Trung Quốc, các chính trị gia Đức có những tính toán đường ngắn, đường dài như thế nào đó với Trung Quốc, khiến họ có thể phải kiệm lời, chưa thật mạnh mẽ lên tiếng. Nhưng báo chí, truyền thông Đức, tờ báo Bild đâu có lý do gì để e dè?
Các quan chức Trung Quốc có lẽ quên mất điều này.
Cũng đừng vội ngạc nhiên trước tiên đoán của Tổng biên tập Bild khi viết cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rằng "Ở nước ông người ta đang xì xào bàn tán về ông. Thế lực của ông đang vỡ vụn. Tôi không tin, bằng việc viết thư cho tôi, ông có thể tự cứu vãn được thế lực của mình. Tôi tin rằng Corona không chóng thì chầy sẽ là hồi kết về chính trị của ông..."
Chỉ cần nhớ lại rằng vị Tổng thống thứ 10 của Đức là Christian Wulff cũng đã từng "khuynh gia bại sản, thân bại danh liệt", phải từ chức vào năm 2012, bị truy tố ra tòa cũng chỉ bởi một phần đã chọc vào chính Tổng biên tập báo Bild ngày đó là Kai Diekmann, khi bản thân ông tổng thống đang dính bê bối nghi vấn tham nhũng, lạm dụng chức vụ và muốn hăm dọa, buộc báo Bild phải im miệng.
Báo chí Đức độc lập với chính quyền, hoạt động theo luật định, đóng vai trò giúp quần chúng nhân dân Đức theo dõi, giám sát công việc của bộ máy nhà nước. Các quan chức không dễ chi phối được báo chí, khi làm sai mà bị báo chí phanh phui thì có chạy đằng trời. Chính quyền không sai bảo được báo chí, càng không thể vỗ vai khen thưởng được báo chí bởi như thế là "hối lộ", muốn "mua chuộc" báo chí.
Cũng như khẩu trang, các vật dụng y tế và hàng hóa từ Trung Quốc đưa sang Đức có phẩm chất kém, không phù hợp bị đẩy quay trở lại, cái cách ứng xử với báo chí, truyền thông phương Tây của chính phủ Trung Quốc, của ông Tập Cận Bình bị dội, bị bật trở lại mạnh mẽ dứt khoát như vị Tổng biên tập báo Bild vừa thể hiện là điều không khó hiểu.
Tôi có cô bạn thân người Đức được tuyển vào làm biên tập viên cho Bild cách đây chưa lâu, cô bảo lãnh đạo báo Bild đã nói với cô ấy rằng, họ chờ đợi ở cô "một thứ ngôn ngữ, phong cách báo chí không thể trộn lẫn với bất kỳ một tờ báo nào khác".
Vậy thì hãy thông cảm nhé, thưa các vị quan chức Trung Quốc, nếu lá thư của Tổng biên tập báo Bild Julian Reichelt từ Đức đã rất không hợp tai các quý vị.
Bài thể hiện cách nhìn riêng của nhà báo tự do Lê Mạnh Hùng, sống tại Berlin.
No comments:
Post a Comment